Võ Đắc Khôi (*) Ăn trưa với một doanh nhân trẻ làm nghề tư vấn, tôi học được một thuật ngữ mới trong kinh doanh ở Việt Nam, “Đóng gói doanh nghiệp”.
Doanh nhân này vừa thành công trong một hợp đồng tái cấu trúc doanh nghiệp, anh hào hứng giải thích.
Phần lớn các doanh nghiệp trong nước đã đi qua một chặng đường phát triển nóng cùng với sự phát triển của đất nước sau ngày mở cửa, gia nhập WTO, ký hiệp định tự do với ASEAN và với một vài nước khác. Những năm qua, doanh nghiệp đứng trước nhiều cơ hội kiếm tiền khá thuận lợi từ việc khai thác các nguồn tài nguyên như đất, nước, rừng, lao động rẻ…
Nhiều doanh nghiệp khi niêm yết lên thị trường chứng khoán còn kiếm chênh lệch rất lớn nhờ thặng dư sau khi phát hành.
Nhiều doanh nghiệp đã giàu lên rất nhanh, họ vung tay quá trán, đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, đa phần đều gắn với bất động sản.
Giờ đây, kinh tế thế giới khủng hoảng, đứng trước viễn cảnh cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi tính minh bạch của thị trường cao, các doanh nghiệp bắt đầu nao núng.
Giá trị tài chính đã đầu tư vào mua đất ngốn hết nguồn lực doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp sử dụng đất đai thế chấp để vay vốn xây công trình càng gặp nhiều khó khăn hơn. Họ bị khựng lại vì chính sách thắt chặt đầu tư bất động sản của chính phủ. Nhưng trên hết là do kỳ vọng đầu tư vốn ít và rẻ, bán sản phẩm giá cao để kiếm chênh lệnh trong ngắn hạn bị sụp đổ vì kinh tế toàn cầu khủng hoảng, không làm ra tiền người tiêu dùng không ai có tiền để mua tài sản để ở hoặc đầu cơ.
Đối với các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất kinh doanh, nếu thặng dư được đưa vào đầu tư bất động sản, tình hình càng khó khăn hơn do khoản đã vay sẽ phát sinh lãi và vốn vay cũng phải trả đúng hạn theo kỳ. Việc vung tay quá trán sang lĩnh vực bất động sản có thể sẽ giết chết doanh nghiệp trong những tháng tới nếu tình trạng kinh tế khó khăn tiếp tục kéo dài.
Theo nhà tư vấn trẻ này, doanh nghiệp chúng ta cần mạnh dạn đóng gói lại hoạt động kinh doanh của mình. Cái nào cần gói lại, kiên quyết làm triệt để. Mảng kinh doanh tạo ra tiền mặt dù nhỏ, dù chỉ đủ trang trải duy trì hoạt động hàng ngày cần rốt ráo triển khai. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, cần chú trọng các hoạt động thực sự tạo ra lòng tin cho nhà đầu tư. Tránh bệnh đánh bóng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu không gắn liền với hệ thống quản trị và hệ thống sản xuất.
Cần nhìn vào thực lực và khả năng tạo tiền mặt của hoạt động kinh doanh để hoạch định kế hoạch kinh doanh. Hơn bao giờ hết, các CEO Việt Nam cần phải trung thực với chính mình và không thể viễn tưởng về một thời hoàng kim làm giàu đã qua.
Theo Kinh tế Sài Gòn Online